Tin tức

Bạn còn trăn trở khi đi du học: giao tiếp, tài chính?

Theo du học sinh (DHS) Việt Nam tại nhiều nước, làm quen ‘cú sốc’ giao tiếp, lập kế hoạch chi tiêu và học cách bảo vệ bản thân là những điều cần biết để ‘không hoảng loạn’ trước khi đặt chân đến môi trường mới.

Nền tảng tốt, giao tiếp khó là bình thường

Dù có nền tảng tiếng Anh vững trước khi du học, Đào Sơn Tùng (ĐH Calgary, Canada) vẫn đối diện với khó khăn khi nghe giảng trên lớp. Theo nam sinh viên, đây là rào cản DHS thường gặp khoảng thời gian đầu, nhưng chỉ cần 2-3 tuần là có thể thích nghi. “Các bạn có thể tập xem phim không phụ đề để quen dần. Năng lực tự học cũng rất quan trọng vì ở ĐH sẽ không có thầy cô hướng dẫn”, Tùng nói.

Giao tiếp còn đặc biệt khó khăn với những DHS tại các nước không dùng phổ biến tiếng Anh. Chẳng hạn, Võ Ngọc Anh Thư (ĐH Hanyang, Hàn Quốc) tuy đã có hơn 1 năm học tiếng Hàn, đáp ứng yêu cầu đầu vào ngoại ngữ của trường nhưng ở những buổi học đầu tiên, cô vẫn “sốc” vì không thể nghe hiểu lời giáo sư nói. “Suốt nhiều tuần liền tôi khóc liên tục”, nữ sinh viên tâm sự.

Để “không hoảng loạn” trước khi học chuyên ngành, Thư chủ động nhắn tin cho bạn bản xứ cùng lớp để làm quen, sau đó xin được giúp đỡ nếu gặp phần khó hiểu. “Các bạn rất nhiệt tình trao đổi những điều tôi thắc mắc. Nếu đôi bên đều không rõ, tôi sẽ trực tiếp gửi email hỏi giáo sư, nhờ đó nhận được nhiều lời khuyên bổ ích”, cô cho hay.

Đặng Thụy Diễm Anh (ĐH Erasmus, Rotterdam, Hà Lan) cũng nhận định DHS học tập tại một số nước châu Âu ít nói tiếng Anh như Pháp, Ý hay Tây Ban Nha sẽ gặp nhiều khó khăn khi trao đổi với người bản xứ.

“Tôi chọn theo hướng nghiên cứu nên phải tự học, tự đọc và tư duy bằng tiếng Anh. Cách ‘sống sót’ là mỗi tuần đều lên lịch chi tiết những bài cần học, những tiết cần đến và những cuộc họp nhóm cần tham gia”, cô chia sẻ về kế hoạch học tập.

Đừng để đau đầu vì tài chính

Du học Hàn Quốc 2023 cần điều kiện gì? | EF Việt Nam Du học
Theo Diễm Anh, ở một số khu vực có mức sống đắt đỏ như châu Âu, một bữa ăn ngoài có thể tốn đến 400.000 đồng. Vì thế, những DHS như cô thường rỉ tai nhau mẹo mua nguyên liệu rẻ, nhiều và ngon để tự nấu ăn, tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, nữ sinh viên phải chi hết 5/7 tài chính cho tiền trọ.

Sơn Tùng cũng nhận định tài chính luôn là vấn đề khiến DHS đau đầu, “kể cả khi gia đình có điều kiện”. Nếu như có khoản chu cấp định kỳ, nam sinh viên khuyên nên lên kế hoạch chi tiêu kỹ lưỡng, đảm bảo trước cho nhu cầu nhà ở, thực phẩm, cước điện thoại. “Phần còn lại, một nửa dùng cho giải trí, một nửa để tiết kiệm”, anh nói, đồng thời cho hay DHS có thể làm thêm nhưng hãy ưu tiên việc học lên trên hết.

Tuy nhiên, cũng có những DHS đặt mục tiêu trải nghiệm nhiều nhất trong khả năng thay vì tiết kiệm như Vũ Nguyễn Vân Anh (ĐH Amsterdam, Hà Lan). “Tôi hay đùa với bạn bè là tôi sống như du khách Hà Lan, vì đã đi gần hết những nơi du khách thường đến mà các bạn bản xứ cũng chưa tới bao giờ. Năm vừa rồi tôi đã ngang qua hơn 10 thành phố trọng điểm ở Hà Lan và khoảng 7 nước châu Âu”, nữ sinh kể.

Vân Anh cũng lưu ý DHS cần tìm hiểu văn hoá ẩm thực của nước sở tại để điều chỉnh thói quen ăn uống phù hợp. “Ở Hà Lan, người dân ăn bánh mì, đồ lạnh là chủ yếu chứ không thích một ngày ba bữa nóng sốt như Việt Nam. Vậy nên, buổi sáng muốn đi ăn thì nhà hàng 12 giờ trưa mới mở, hay đồ ăn sáng như phở thì bên đây lại là bữa tối”, cô chia sẻ và cho hay bản thân thường tự nấu ăn để đáp ứng khẩu vị.
Nguồn: Sưu tầm Du học Hàn Quốc LIKA
– Bền ý chí, vững niềm tin.
– Email:
info.duhoclika@gmail.com
– Địa chỉ: CT4, Khu Đô Thị Mỹ Đình, Sông Đà, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
– Hotline/zalo:
0867939088
–Fanpage:
https://www.facebook.com/duhoclika
– Website:
https://duhoclika.com/