Hàn Quốc là một quốc gia mang đậm chất phương Đông. Đại Hàn Dân Quốc vô cùng coi trọng nền văn hóa của dân tộc mình. Trong đó, phải kể đến nền văn hóa ẩm thực. Người Hàn có thể lấy đó làm thước đo cách ứng xử, hành vi của con người. Vậy nên, tìm hiểu nền văn hóa của quốc gia mình sẽ đặt chân đến không bao giờ dư thừa. Đặc biệt, khi tìm hiểu nền văn hóa ẩm thực của xứ sở kim chi, bạn sẽ phát hiện được nhiều điều mới lạ. Đây là cơ hội để bạn vừa biết thêm văn hóa của quốc gia khác vừa được xem trọng hơn.
Tương tự với văn hóa ăn uống của Việt Nam, văn hóa ẩm thực Hàn Quốc cũng có những nguyên tắc trên bàn ăn. Thậm chí là những nguyên tắc khắt khe hơn rất nhiều so với nước ta mà người ngồi trên bàn ăn nhất định phải tuân thủ theo nếu không muốn được cho là không biết lễ nghĩa. Sau đây là một số nguyên tắc tiêu biểu trên bàn ăn trong văn hóa ăn uống của người Hàn Quốc.
Tôn trọng người lớn tuổi và giữ lịch sự
Văn hóa ăn uống của người Hàn Quốc rất coi trọng thứ bậc trong xã hội. Đặc biệt là luôn nhớ đến quy tắc “kính trên nhường dưới”. Bạn chỉ ngồi xuống sau khi người lớn tuổi hơn đã ngồi xuống. Bạn phải đợi người lớn tuổi hơn nâng đũa với thìa lên thì mới được ăn. Cũng như bạn chỉ được đứng dậy và rời khỏi bàn ăn khi người lớn tuổi hơn đã đứng dậy và rời đi trước.
Vị trí ngồi được xếp dựa trên địa vị xã hội hoặc thứ tự tuổi tác. Người có địa vị xã hội thấp nhất hoặc ít tuổi nhất thì ngồi gần cửa ra vào nhất. Đối với các trưởng bối cần phải ưu tiên ngồi phía trong. Bạn phải đợi người lớn tuổi nhất nâng đũa với thìa lên thì mới được ăn.
Nhưng khi ăn đồ nướng, người lớn tuổi hơn có nhiệm vụ phải nướng cho người nhỏ tuổi hơn. Trong các buổi tiệc, người lớn tuổi hoặc người có địa vị, chức vụ cao hơn hay người có việc được chúc mừng ở buổi tiệc đó sẽ trả tiền.
Tư thế ngồi ăn của người Hàn Quốc
Giữ tư thế ngồi ngay ngắn trước mặt người lớn
Không gây tiếng ồn khi ăn
Khi ăn không được tạo tiếng ồn va chạm từ muỗng, đũa, chén, đĩa, ly hay tiếng ồn khi ăn thức ăn.
Khi nhai không được mở miệng
Không vừa nhai vừa nói hay để cho người khác thấy thức ăn mình đang nhai trong miệng.
Nói sẽ ăn ngon trước bữa ăn
Người Hàn thường nói: “잘 먹겠습니다” (“Tôi sẽ ăn thật ngon” trước bữa ăn. Câu nói này như lời cảm ơn đầu bếp hoặc người đã nấu ăn cho bạn. Khi kết thúc bữa ăn, bạn có thể nói “잘 먹었습니다”, để báo với mọi người là bạn cảm thấy hài lòng với bữa ăn. Ngoài ra, người Hàn sẽ để khăn lên bàn để báo hiệu mình đã dùng bữa xong.
Sử dụng đũa và thìa đúng cách
Việc cắm thẳng đũa vào bát cơm bị xem là thô lỗ. Vì hành động này khiến họ liên tưởng tới việc cắm hương trong tang lễ. Khi không dùng đến, bạn có thể để đũa bên cạnh, trên một miếng kê bằng sứ. Bạn nên nhớ rằng ăn cơm và canh bằng thìa, còn đũa dùng để gắp thức ăn. Đặc biệt khi muốn gắp đồ cho người khác, hãy sử dụng một chiếc thìa, đôi đũa sạch.
Không nâng bát khi ăn
Thông thường, người Hàn để nguyên bát trên bàn và dùng thìa để xúc cơm thay vì cho lên miệng và hoặc cúi xuống để ăn. Tương tự canh, bạn nên dùng thìa để uống. Nếu món canh đó đặc biệt ngon, bạn có thể bê bát để uống nước dùng cuối cùng.
Sử dụng đĩa chính và đĩa phụ
Giống Việt Nam, Hàn Quốc cũng có nhiều món ăn được bày trên đĩa lớn để dùng chung với mọi người. Khi ăn, bạn nên gắp đồ vào đĩa cá nhân rồi mới thưởng thức, thay vì ăn trực tiếp từ đĩa lớn. Điều đó bị coi là bất lịch sự.
Dùng đồ uống trong bữa ăn
Trong bàn ăn, người Hàn Quốc sẽ chú ý rót đầy nước cho người lớn tuổi trước khi rót cho mình. Đây là cách thể hiện phép lịch sự và sự kính trọng. Ngoài ra, trong một cuộc gặp mặt, hãy chú ý rót nước cho người khác nếu cốc của họ đã hết. Tương tự, bạn sẽ được người khác rót nước cho khi hết.
Khi được mời rượu, người Hàn sẽ nâng ly bằng cả hai tay để không bị đổ và bày tỏ sự tôn trọng người đối diện. Việc từ chối đồ uống nhiều lần là không lịch sự. Đặc biệt là nếu người lớn tuổi rót cho bạn. Khi rót rượu cho người lớn hơn, một tay cầm chai rượu, tay còn lại vịn nhẹ vào cổ tay kia. Một khi bạn nhận được lời mời uống rượu, bia hay bất kỳ thứ nước nào, bạn phải quay đầu để uống. Đó là dấu hiệu thể hiện sự tôn trọng với người đối diện.
Không lựa hoặc xới tung thức ăn trên bàn
Thức ăn là cùng ăn với nhau. Giữ cho chúng ngon miệng và không gây khó chịu cho người khác là phép lịch sự cơ bản trong văn hóa Hàn Quốc cũng như các nước khác.
Không cầm thìa và đũa trên một tay
Điều này giúp việc ăn uống dễ dàng hơn và còn không bị rơi thìa và đũa nữa.
Chú ý tốc độ ăn của người lớn, người cùng bàn
Cần cố gắng ăn với tốc độ giống người lớn. Nếu bạn nhanh hơn thì bạn cũng không thể rời bàn ăn trước khi người lớn rời khỏi đó. Và ăn quá nhanh hay quá chậm cũng có thể làm người khác ngại hoặc cảm thấy kỳ cục.
Nếu bạn rời khỏi bàn ăn trước những người lớn tuổi, bạn sẽ bị cho là thiếu lễ độ. Còn nếu bạn ăn xong, xếp đũa và ngồi tại bàn ăn thì điều này cũng tạo cho người đối diện cảm giác như bạn đang chờ đợi họ hoàn thành bữa ăn. Tốt nhất bạn nên chú ý tốc độ ăn uống của mình để không phải kết thúc bữa ăn quá sớm.
Dùng tăm sau bữa ăn
Trong văn hóa ẩm thực Hàn Quốc, người Hàn cũng dùng tay che miệng khi xỉa răng để thể hiện lịch sự. Tuy nhiên nếu ăn ở nhà hàng tại Hàn Quốc, trên bàn ăn gần như không bao giờ có tăm xỉa răng. Tăm thường nằm trong một chiếc hộp bên quầy tính tiền. Và khách hàng thường lấy một chiếc rồi xỉa răng trên đường đi ra. Có thể thấy, người Hàn hiếm khi xỉa răng ngay tại bàn ăn vì trên bàn ăn không có tăm.
2. Cách sắp xếp bàn ăn của người Hàn Quốc
Trên bàn ăn của người Hàn Quốc bao giờ cũng có cơm ăn kèm với món canh nhiều bột nấu với thịt, rau, củ, quả, chén tương và kim chi. Ngoài ra còn có các món ăn được làm từ thịt và rau như: thịt lát, rau sống trộn, dưa chuột muối, mắm tôm tép… Dù số món ăn nhiều nhưng nguyên liệu và phương pháp nấu ăn vẫn không bị trùng lặp. Tùy theo số món mà có 3, 5, 7, 9 đĩa, có khi lên đến 12 đĩa được bày ra trên bàn ăn.
Đồ dùng của bữa ăn là đũa và thìa. Đũa Hàn Quốc nhỏ hơn đũa Việt Nam. Thìa là thìa cà phê, thường được làm bằng kim loại.
Khi dọn bàn ăn, người Hàn luôn đặt cơm và canh lên trước. Canh được đặt bên phải cơm, sau đó đặt thức ăn. Món chấm sẽ được đặt ở giữa. Món ăn nóng và thịt đặt bên phải. Món ăn lạnh, nguội được làm từ rau đặt bên trái. Để thìa và đũa bên tay phải, xếp đũa ngay cạnh thìa.
Kimchi, canh, món hầm và món ăn kèm (반잔) là những món không bao giờ thiếu trong một bữa ăn của người Hàn. Những món banchan sẽ được bày trí xung quanh ba món trên. Có rất nhiều loại banchan nhưng việc lựa chọn làm loại nào là quyết định của bạn. Bạn có thể chọn lựa theo các tiêu chí: món yêu thích, theo mùa, ăn kiêng, tình trạng sức khỏe…
3. Triết lý âm dương trong văn hóa ẩm thực Hàn Quốc
Người Hàn cũng áp dụng triết lý âm dương ngũ hành trong ẩm thực. Bao gồm: sự hài hòa âm dương của khách thể (thức ăn) – Sự hài hòa âm dương của chủ thể (con người) – Sự hài hòa âm dương giữa chủ thể với không gian (môi trường tự nhiên) – Sự hài hòa âm dương giữa chủ thể với thời gian (mùa).
Ví dụ:
- Món canh gà (hay còn gọi là gà hầm sâm – 삼계탕) gồm có nguyên liệu chính là thịt gà và sâm (dương) hầm với gạo nếp (âm)
- Món mì lạnh (냉면) gồm mỳ kiều mạch (âm) ăn với trứng (dương)
- Canh đậu phộng (âm) ăn với kim chi củ cải (dương)
- Canh hải sản (해물탕) gồm cua, sò, tôm, bạch tuộc (âm) nấu cùng ớt, muối, tiêu (dương)
Người bị ốm do âm khí quá lớn cần ăn thức ăn dương tính. Ngược lại, người bị ốm do dương khí quá lớn nên bổ sung thức ăn âm tính để lấy lại cân bằng cho cơ thể. Để giải rượu, người Hàn Quốc hay ăn canh giá đỗ (콩나물국), canh rau cải khô (우거지국) hay canh cá po lắc khô (북엇국).
Hàn Quốc có ba mặt giáp biển nên các loại tảo biển, hải sản cũng hết sức đa dạng. Người Hàn Quốc sử dụng tảo bẹ (다시마) và cá cơm làm nước dùng. Lấy lá kim cuộn với cơm tạo thành món cơm cuộn (김밥) nổi tiếng. Tùy vào từng mùa, người Hàn Quốc ăn những món ăn đặc trưng khác nhau như: mùa xuân thì bạch tuộc xào 주꾸미, 도다리 쑥국, 냉이된장국,… Mùa hè thì ăn gà hầm sâm lấy nóng trị nóng. Mùa thu thì cua ngâm tương. Mùa đông thì các loại thực phẩm lên men và rau sấy khô.